Nhằm xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững và hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm kê, phân loại và đánh giá hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Đây là bước quan trọng để có cái nhìn tổng quan về tiềm năng du lịch của khu vực, từ đó xác định hướng đi phù hợp nhằm phát huy tối đa giá trị các tài nguyên sẵn có, nâng cao trải nghiệm du khách và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Trong Đề án phát triển du lịch thành phố Thủ Đức giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa và kiểm kê 50 điểm du lịch thuộc các nhóm tài nguyên chính:
Tài nguyên văn hóa
- Di tích chiến tranh: Bót Dây Thép, Căn cứ vùng bưng 6 xã.
- Đình, miếu, mộ cổ: Đình An Phú, Đình Bình Thọ, Đình Linh Đông, Đình Phong Phú, Mộ cổ Ông Ngư Viên, Mộ Tiền Hiền Tạ Dương Minh…
- Chùa nổi bật: Chùa Bửu Long, Chùa Hội Sơn, Chùa Nam Thiên Nhất Trụ, Pháp viện Minh Đăng Quang…
- Nhà thờ tiêu biểu: Nhà thờ Thủ Đức, Nhà thờ Thủ Thiêm…
Tài nguyên thiên nhiên
- Sông Sài Gòn: Tiềm năng phát triển du lịch đường sông, du thuyền, bến nước.
- Khu du lịch sinh thái: Khu du lịch sinh thái Long Đại, Khu du lịch Song Long, Đầm sen Tam Đa…
Tài nguyên nhân tạo
- Công viên, khu du lịch giải trí: Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Khu du lịch BCR, Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc, Phim trường Long Island…
- Trung tâm mua sắm và giải trí: Gigamall, Vincom Mega Mall Thảo Điền, Thiso Mall, Vincom Thủ Đức.
Dưới đây là 1 số hình ảnh nhóm chuyên gia đi thực địa tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Nhóm chuyên gia đi thực địa tại Đình Thần Linh Đông, thành phố Thủ Đức.

Nhóm chuyên gia lấy ý kiến quản lý tại Đình Trường Thọ, thành phố Thủ Đức

Nhóm chuyên gia gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Viila Sông, thành phố Thủ Đức
Việc kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch đóng vai trò then chốt trong công tác quy hoạch và phát triển du lịch địa phương. Cụ thể:
- Xác định tiềm năng du lịch Thủ Đức: Thủ Đức sở hữu hệ thống tài nguyên phong phú, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, công trình tâm linh, tài nguyên thiên nhiên, khu vui chơi giải trí và trung tâm thương mại hiện đại. Việc đánh giá giúp nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội phát triển của từng loại hình du lịch.
- Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng: Dựa trên kết quả kiểm kê, Thủ Đức có thể xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch trải nghiệm…
- Tạo tiền đề cho đầu tư và bảo tồn: Khi đã có một hệ thống dữ liệu chi tiết, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và tìm ra cơ hội hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời, các tài nguyên có giá trị lịch sử và văn hóa cũng được bảo tồn tốt hơn, tránh nguy cơ bị mai một hoặc khai thác kém hiệu quả.
- Thúc đẩy quảng bá và nâng cao thương hiệu du lịch: Việc hệ thống hóa tài nguyên giúp thành phố xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
- Xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững: Với dữ liệu chi tiết từ đợt kiểm kê, các nhà quản lý có thể hoạch định chính sách phát triển theo từng giai đoạn, đảm bảo khai thác tài nguyên hợp lý mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa địa phương.
Việc kiểm kê, phân loại và đánh giá tài nguyên du lịch TP. Thủ Đức không chỉ giúp xác định rõ lợi thế của địa phương mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Với tiềm năng dồi dào và chiến lược khai thác hợp lý, Thủ Đức hoàn toàn có thể trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới.