Kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (năm 2017) – cơ sở khoa học cho ngành quản lý du lịch Thành phố triển khai chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới
Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu
Năm 2017, nhóm nghiên cứu do TS. Bùi Thị Tám và TS. Võ Thị Ngọc Thúy chủ trì đã thực hiện đề án kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch TP. Hồ Chí Minh nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, khai thác hiệu quả và định hướng phát triển du lịch. Đề án tiếp cận theo hướng toàn diện, phân loại tài nguyên thành ba nhóm chính: tài nguyên tự nhiên (sông ngòi, kênh rạch, hệ sinh thái, địa hình…), tài nguyên văn hóa (di tích lịch sử, lễ hội, nghệ thuật dân gian…) và công trình nhân tạo phục vụ du lịch (trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, dịch vụ bổ trợ…).

Ngành du lịch TP.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.
Kết quả nghiên cứu kiểm kê, đánh giá các tài nguyên du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm mới
Nghiên cứu phân hạng tài nguyên dựa trên mức độ thu hút du khách. Nhóm A gồm các tài nguyên thu hút hơn 20.000 khách/năm, nhóm B từ 15.000–20.000 khách/năm, nhóm C dưới 15.000 khách/năm và nhóm D gồm các tài nguyên có tiềm năng nhưng chưa khai thác. Qua khảo sát, 178 tài nguyên trong tổng số 386 điểm du lịch được xác định có tiềm năng phát triển, đồng thời nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch mới và thử nghiệm thực tế để đánh giá tính khả thi. Bên cạnh đó, đề án cũng phân tích thực trạng khai thác du lịch của Thành phố, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên, gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

Hội thảo: Cơ sở dữ liệu và Tiêu chí thực hành du lịch
Ứng dụng kết quả nghiên cứu và chuyển giao phương pháp
Một trong những đóng góp quan trọng của nghiên cứu là chuyển giao bộ tiêu chí kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch với 41 tiêu chí, được xây dựng dựa trên các quy định của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Luật Du lịch và tham khảo các nghiên cứu quốc tế. Bộ tiêu chí này giúp ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện kiểm kê, đánh giá trong tương lai, đồng thời là công cụ hỗ trợ ra quyết định trong công tác quy hoạch, phát triển du lịch bền vững. Phương pháp kiểm kê này cũng đã được áp dụng tại nhiều địa phương khác như Đồng bằng sông Cửu Long (2021), TP. Thủ Đức (2024) và Long An (2024), tạo nền tảng cho việc khai thác và phát triển du lịch một cách hiệu quả, bền vững hơn.

TP.HCM đang tăng cường tổ chức nhiều hoạt động để phát triển ngành du lịch.